Mặc dù kinh tế thế giới đang suy thoái nhưng kinh tế vĩ mô của Việt Nam nhìn chung vẫn có sự tăng trưởng tích cực. Trong đó, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, ngành công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,69%, ngành dịch vụ tăng 10,57% so với cùng kỳ năm 2021. Sau đây, NC Network sẽ chia sẻ thông tin hữu ích tới doanh nghiệp.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong quý III/2022 tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt so với cùng kỳ năm trước. Kinh tế đang khôi phục trở lại và đạt mức tăng trưởng cao hơn so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 xảy ra như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa… Kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong quý III và 9 tháng năm 2022 như sau:
1. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2022.
Sản phẩm trong nước quý III ước tính tăng khá cao ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước. GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022. Từ đó, cho thấy các hoạt động sản xuất kinh doanh đã dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả.
Mức tăng chung của toàn nền kinh tế 9 tháng năm 2022:
+ Ngành vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99% (đóng góp 4,04%)
+ Ngành công nghiệp và xây dựng tăng 9,44% (đóng góp 41,79%)
+ Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2011, 2017 và 2018
+ Ngành dịch vụ tăng 10,57% (đóng góp 54,17%), trong đó một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao như: Bán buôn, bán lẻ tăng 10,24% so với cùng kỳ năm trước; vận tải kho bãi tăng 14,2%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 41,7%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,05%.
Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,27%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,69%; khu vực dịch vụ chiếm 41,31%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,73%.
2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi thời tiết diễn biến thất thường từ đầu quý II/2022 và giá vật tư đầu vào tăng cao nhưng theo thống kê đến quý III/2022, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn duy trì tăng trưởng ổn định.
Sản lượng một số cây lâu năm trọng điểm tăng so với cùng kỳ năm trước; chăn nuôi phát triển ổn định; hoạt động khai thác gỗ triển khai tích cực. Nuôi trồng thủy sản phát triển khá do nhu cầu và giá xuất khẩu các sản phẩm thủy sản trọng điểm như cá tra, tôm nuôi tăng; tuy nhiên khai thác thủy sản biển gặp nhiều khó khăn do giá nhiên liệu ở mức cao.
a) Nông nghiệp
Tính đến giữa tháng Chín, cả nước gieo trồng được 852,2 nghìn ha ngô, bằng 98,5% so với cùng kỳ năm trước; 83,9 nghìn ha khoai lang, bằng 92%; 167,5 nghìn ha lạc, bằng 97,2%; 33 nghìn ha đậu tương, bằng 90,8%; 1.030,6 nghìn ha rau, đậu, bằng 100,8%.
Sản lượng thu hoạch một số cây công nghiệp chủ yếu 9 tháng năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Chè búp đạt 891,9 nghìn tấn tăng 0,7%; cao su đạt 841,3 nghìn tấn, tăng 3,2%; hồ tiêu đạt 267,6 nghìn tấn tăng 0,5%.
Chăn nuôi trâu, bò nhìn chung ổn định, dịch viêm da nổi cục dần được kiểm soát nhưng nguy cơ tái phát vẫn còn cao. Chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên ngành vẫn cần tiếp tục triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, tổ chức tốt việc tiêm vắc xin; giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, mua bán trâu, bò trái phép, không rõ nguồn gốc.
b) Lâm nghiệp
Diện tích rừng trồng mới tập trung 9 tháng năm 2022 ước đạt 191,2 nghìn ha, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 70,4 triệu cây, tăng 5,4%; sản lượng gỗ khai thác đạt 13,7 triệu m3, tăng 6,2%; sản lượng củi khai thác đạt 13,9 triệu ste, tăng 0,5%.
Trong 9 tháng năm 2022, cả nước có 887,9 ha rừng bị thiệt hại, giảm 62,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 24,5 ha giảm 98,3%; diện tích rừng bị chặt, phá là 863,4 ha giảm 1,6%.
c) Thủy sản
Tổng sản lượng thủy sản 9 tháng năm 2022 ước đạt 6.602,8 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 4.751,2 nghìn tấn tăng 1,9%; tôm đạt 886,6 nghìn tấn,tăng 8,8%; thủy sản khác đạt 965 nghìn tấn tăng 1,1%.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng 9 tháng năm 2022 ước đạt 3.611,2 nghìn tấn tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 2.415,6 nghìn tấn tăng 6,5%; tôm đạt 777,6 nghìn tấn tăng 10,4%; thủy sản khác đạt 418 nghìn tấn tăng 5,5%.
Sản lượng thủy sản khai thác 9 tháng năm 2022 ước đạt 2.991,6 nghìn tấn giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 2.335,6 nghìn tấn giảm 2,5%; tôm đạt 109 nghìn tấn giảm 1,1%, thủy sản khác đạt 547 nghìn tấn giảm 2,1%.
3. Sản xuất công nghiệp quý III/2022
Sản xuất công nghiệp đang tăng trưởng ở mức khá, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 12,12% so với cùng kỳ năm trước.
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2022 ước tính tăng 9,63% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,69%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,71%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,03%; ngành khai khoáng tăng 4,42%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng năm 2022 tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2021. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/9/2022 tăng 7,3% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 13,4% so với cùng thời điểm năm trước. Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng năm 2022 là 76,4%.
4. Hoạt động thương mại, vận tải, du lịch.
Trong 9 tháng vừa qua hoạt động thương mại, vận tải, du lịch vẫn đang quá trình phục hồi tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước và đạt 4.170,2 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2021.
Vận tải hành khách ước đạt 2.842,3 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 40,7% so với cùng kỳ năm trước giảm 23,7% và luân chuyển đạt 132 tỷ lượt khách, tăng 59,4% so với cùng kỳ năm trước giảm 30,8%.
Vận tải hàng hóa ước đạt 1.492,7 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 5,2%) và luân chuyển 318,1 tỷ tấn tăng 31% (cùng kỳ năm trước giảm 0,3%).
Doanh thu hoạt động viễn thông 9 tháng năm 2022 ước đạt 248,5 nghìn tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,6%).
5. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa quý III/2022
Trong tháng 9 tổng kinh ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 58,74 tỷ USD, giảm 11% so với tháng trước và tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.
a) Xuất nhập khẩu hàng hóa
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2022 ước đạt 29,94 tỷ USD, giảm 14,3% so với tháng trước. Trong quý III/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 96,5 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước và giảm 0,5% so với quý II/2022.
Tính chung 9 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 276 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 96,11 tỷ USD, tăng 13,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 179,89 tỷ USD, tăng 12,7%. Trong 9 tháng năm 2022 có 42 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,3% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 45,5%).
b) Xuất, nhập khẩu dịch vụ
Trong 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 8,2 tỷ USD, tăng 118,4% so với cùng kỳ năm trước (quý III/2022 ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 174,6%), trong đó dịch vụ du lịch đạt 1,9 USD (chiếm 24,1% tổng kim ngạch) tăng gấp 18 lần so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ vận tải đạt 3,7 tỷ USD (chiếm 45,8%) tăng 164,1%.
Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ 9 tháng năm 2022 ước đạt 19,4 tỷ USD, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ vận tải đạt 9,7 tỷ USD (chiếm 49,7% tổng kim ngạch), tăng 25,2%; dịch vụ du lịch đạt 4,7 tỷ USD (chiếm 24,2%), tăng 75,4%.
Nguồn: Tổng cục thống kê