Theo thông cáo báo chí về tình hình kinh tế – xã hội quý IV và năm 2022 của Tổng cục thống kê. Đứng trước khó khăn mà nền kinh tế trong nước đang gặp phải, Nhà nước quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà hoàn thành các mục tiêu kinh tế – xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 mà Nghị quyết Đại hội XIII đề ra. Đồng thời triển khai tích cực, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.
Nhờ đó, nền kinh tế nước ta phục hồi mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện góp phần tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Một số ngành đã có mức tăng trưởng cao hơn năm trước khi có dịch Covid-19. Kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong năm 2022 như sau:
1. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022
Tổng GDP quý IV/2022 ước tính tăng 8,02%. Trong mức tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36% đóng góp 5,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78% đóng góp 38,24%; khu vực dịch vụ tăng 9,99% đóng góp 56,65%.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành nông nghiệp tăng 2,88% đóng góp 0,27 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 6,13% đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,43% đóng góp 0,12 điểm phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,10% đóng góp 2,09 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,45% đóng góp 0,04 điểm phần trăm. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,05% đóng góp 0,26 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng tăng 5,19% đóng góp 0,17 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 8,17% đóng góp 0,59 điểm phần trăm.
Khu vực dịch vụ được khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng năm 2022 đạt 9,99% cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau:
+ Ngành bán buôn, bán lẻ tăng 10,15% so với năm trước đóng góp 0,97 điểm phần trăm
+ Ngành vận tải kho bãi tăng 11,93% đóng góp 0,69 điểm phần trăm
+ Ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ với mức tăng 40,61% đóng góp 0,79 điểm phần trăm
Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,03% đóng góp 0,53 điểm phần trăm; ngành thông tin và truyền thông tăng 7,80% đóng góp 0,5 điểm phần trăm. Riêng ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 7,6% làm giảm 0,13 điểm phần trăm do dịch Covid-19 đã được kiểm soát nên chi cho phòng, chống dịch bệnh giảm so với năm 2021.
Tổng GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD tăng 393 USD so với năm 2021. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2022 theo giá hiện hành ước tính đạt 188,1 triệu đồng/lao động. Theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2022 tăng 4,8% do trình độ của người lao động được cải thiện.
2. Sản xuất công nghiệp quý IV/2022
Sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng chậm lại, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 7,69% so với năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,10%.
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2022 ước tính tăng 7,69% so với năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,10% đóng góp 2,09 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,05% đóng góp 0,26 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,45%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 5,19% đóng góp 0,17 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) có xu hướng giảm trong quý IV do đơn hàng sụt giảm, chi phí đầu vào ở mức cao và thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu, trong đó tháng 12/2022 ước giảm 1% so với tháng trước và chỉ tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước, tính chung quý IV/2022 tăng 3%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2022 tăng 7,1% so với năm trước. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/12/2022 tăng 13,9% so với cùng thời điểm năm trước. Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân năm 2022 là 78,1%
3. Hoạt động thương mại, dịch vụ tiêu dùng, vận tải, du lịch năm 2022
Các hoạt động thương mai dịch vụ trong nước đang trong quá trình khôi phục mạnh mẽ khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Mười Hai năm 2022 ước đạt 515,8 nghìn tỷ đồng tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước; quý IV/2022 ước đạt 1.514,6 nghìn tỷ đồng tăng 4,8% so với quý trước và tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.679,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,6%.
Năm 2022 vận tải hành khách ước đạt 3.664,1 triệu lượt khách vận chuyển tăng 52,8% so với năm trước và luân chuyển đạt 171,8 tỷ lượt khách.km, tăng 78,3%. Vận tải hàng hóa ước đạt 2.009,6 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 23,7% so với năm trướcvà luân chuyển 441,3 tỷ tấn.km, tăng 29,4%.
Doanh thu hoạt động viễn thông năm 2022 ước đạt 333,9 nghìn tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm trước. Tại thời điểm cuối tháng 12/2022, tổng số thuê bao điện thoại ước đạt 129,7 triệu thuê bao tăng 3,1% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó số thuê bao di động là 127,2 triệu thuê bao tăng 3,7%; số thuê bao truy nhập internet băng rộng cố định ước đạt 21 triệu thuê bao tăng 8,6%.
4. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa
Trong tháng 12 tổng kinh ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 58,82 tỷ USD tăng 2,7% so với tháng trước và giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 10,6%; nhập khẩu tăng 8,4%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2022 ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD.
a) Xuất nhập khẩu hàng hóa
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 12/2022 ước đạt 29,66 tỷ USD, tăng 2,2% so với tháng trước, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Quý IV/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 89,5 tỷ USD giảm 7,1% so với quý III/2022 và giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 371,85 tỷ USD tăng 10,6% so với năm trước.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 95,09 tỷ USD tăng 6,5%, chiếm 25,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 276,76 tỷ USD tăng 12,1%, chiếm 74,4%. Trong năm 2022 có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94% tổng kim ngạch xuất khẩu.
b) Xuất, nhập khẩu dịch vụ
Trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 12,9 tỷ USD tăng 145,2% so với năm 2021 (quý IV/2022 ước đạt 4,6 tỷ USD, tăng 204,2%), trong đó: Dịch vụ du lịch đạt 3,8 tỷ USD (chiếm 29,8% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ) tăng gần 25 lần so với năm trước; dịch vụ vận tải đạt 5,6 tỷ USD (chiếm 43,4%) tăng 165,4%.
Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ năm 2022 ước đạt 25,5 tỷ USD tăng 23,6% so với năm trước (quý IV/2022 ước đạt 6,1 tỷ USD, tăng 10,7%), trong đó: Dịch vụ vận tải đạt 12,4 tỷ USD (chiếm 48,7% tổng kim ngạch nhập khẩu dịch vụ) tăng 18,3%; dịch vụ du lịch đạt 6,5 tỷ USD (chiếm 25,6%) tăng 70,8%. Nhập siêu dịch vụ năm 2022 là 12,6 tỷ USD (trong đó đã tính trong phí dịch vụ vận tải và bảo hiểm của hàng hóa nhập khẩu là 9 tỷ USD).
5. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành năm 2022
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt 3.219,8 nghìn tỷ đồng tăng 11,2% so với năm trước (quý IV/2022 đạt 1.089,1 nghìn tỷ đồng tăng 8,5%), bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 824,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,6% tổng vốn và tăng 14,6% so với năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 1.873,2 nghìn tỷ đồng bằng 58,2% và tăng 8,9%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 521,9 nghìn tỷ đồng bằng 16,2% và tăng 13,9%.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2022 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt gần 27,72 tỷ USD, giảm 11% so với năm trước.
Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.561 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 2,42 tỷ USD và 2.005 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị gần 2,73 tỷ USD.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài năm 2022 có 109 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 426,6 triệu USD, tăng 4,3% so với năm trước; có 26 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 107,4 triệu USD.
6. Thu ngân sách Nhà nước năm 2022
Tổng thu ngân sách Nhà nước lũy kế năm 2022 đạt 1.784,8 nghìn tỷ đồng bằng 126,4% dự toán năm và tăng 13,8% so với năm trước, trong đó: thu nội địa đạt 1.421,8 nghìn tỷ đồng, bằng 120,8% dự toán năm và tăng 9% so với năm trước; thu từ dầu thô đạt 77 nghìn tỷ đồng, bằng 273% dự toán năm và tăng 72,5% so với năm trước; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 280 nghìn tỷ đồng, bằng 140,7% dự toán năm và tăng 29,7% so với năm trước.
Tổng chi ngân sách Nhà nước lũy kế năm 2022 ước đạt 1.562,3 nghìn tỷ đồng, bằng 87,5% dự toán năm và tăng 8,1% so với năm trước, trong đó: Chi thường xuyên đạt 1.026,2 nghìn tỷ đồng, bằng 92,4% dự toán năm và tăng 5,6% so với năm trước; chi đầu tư phát triển đạt 435,7 nghìn tỷ đồng, bằng 82,8% và tăng 22,2%; chi trả nợ lãi 97,5 nghìn tỷ đồng, bằng 94% và giảm 7,9%.
Nguồn: Tổng cục thống kê