Tiếng Việt
01
Tháng 02
2023

Tái cấu trúc doanh nghiệp ngành cơ khí thích ứng với đại dịch Covid-19

ncvn

NC Network xin chia sẻ thông tin hữu ích tới doanh nghiệp.

Tái cấu trúc doanh nghiệp lúc này rất quan trọng đối với các doanh nghiệp, nhất là khi đại dịch Covid 19 khiến cho doanh nghiệp phải thay đổi phương thức hoạt động thích ứng nhanh với tình hình kinh doanh mới và với xu hướng hội nhập cao của ngành cơ khí. 

Trong nền kinh tế thị trường luôn biến động và phát triển không ngừng, việc các doanh nghiệp phải thường xuyên rà soát, củng cố các nguồn lực để thích ứng được xem như một nhiệm vụ không tách rời quá trình sản xuất kinh doanh, nhất là khi doanh nghiệp có những dấu hiệu như thiếu việc làm, hệ thống quản lý và dây chuyền công nghệ lạc hậu, lợi nhuận giảm… Đặc biệt kể từ khi Covid-19 xuất hiện thì việc tái cấu trúc doanh nghiệp trở nên cấp bách và cần thiết hơn bao giờ hết.

Theo Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, để dễ tiếp cận và phân tích những hạn chế, bất cập nảy sinh từ thực tiễn của doanh nghiệp cơ khí nội địa Việt Nam, Các doanh nghiệp sẽ cần phải xác định được 4 nội dung cơ bản với quy trình tái cấu trúc, cải cách doanh nghiệp như sau:

– Thứ nhất, xác định bối cảnh: Nhiệm vụ là phân tích chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước cũng như quốc tế, những vấn đề định hướng và chính sách phát triển kinh tế ngành. Ngoài ra, cần phải xem xét thị trường cũng như yêu cầu của thị trường về sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp đang theo đuổi.

– Thứ hai, đánh giá thực trạng của doanh nghiệp: Cần phải đánh giá được điểm yếu cung như điểm mạnh của doanh nghiệp, từ đó tìm nguyên nhân và tính lợi thế của những vấn đề chính như ngành nghề, thị trường sản phẩm, dịch vụ, trình độ kỹ thuật công nghệ, dây chuyền sản xuất, nhân lực, mô hình tổ chức, hệ thống quản trị và tính tuân thủ pháp lý.

– Thứ ba, xây dựng chiến lược, xác định mục tiêu tái cấu trúc và cải cách: Việc phải làm là xây dựng, củng cố tầm nhìn chiến lược, xác định lộ trình với từng mục tiêu cải cách và đặt ưu tiên cho một mô hình quản lý tiên tiến bao hàm tính kỷ luật cao, tính nổi bật trong văn hóa doanh nghiệp, phù hợp thông lệ quốc tế.

– Thứ tư, xây dựng đề án tái cấu trúc và cải cách doanh nghiệp: Bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới cùng các nguồn lực mà từng doanh nghiệp đang sở hữu, sẽ là những vấn đề rất cơ bản để người quản lý doanh nghiệp quyết định nội dung, quy trình hướng tới mục tiêu tái cấu trúc và cải cách. 

Trong bối cảnh hiện tại, nhà nước đã nêu ra một số vấn đề mang tính cốt lõi và đang là mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp cơ khí nội địa Việt Nam như sau:

– Tái cơ cấu ngành nghề, thị trường sản phẩm và dịch vụ: Các doanh nghiệp sẽ cần phải khẳng định được khả năng, mức độ đầu tư cho cải cách các nguồn lực để định hình lại một cách xuyên suốt, rõ ràng sản phẩm chính của doanh nghiệp là gì và phải rất khả thi, đủ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của khách hàng mục tiêu và chắc chắn cho việc sản xuất kinh doanh được duy trì, từng bước ổn định trở và có lãi.

– Tái cấu trúc tổ chức, nguồn nhân lực: Nhiệm vụ được thực thi trên nguyên tắc thị trường đó chính là “Mục tiêu – định việc – định biên” với lực lượng lao động đạt chuẩn phù hợp. Đặc biệt là thiết lập cơ cấu tổ chức tinh gọn, bao gồm đầy đủ tính tuân thủ, kỷ luật, văn hóa doanh nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế.

– Tái cấu trúc quản trị, thiết lập hệ thống an ninh, an toàn, quản trị rủi ro và quản lý sự thay đổi: Việc thiết kế, điều chỉnh để có một mô hình quản lý, điều hành tiên tiến với đầy đủ các quy chế, quy định tuân thủ pháp luật, đảm bảo an ninh, an toàn, thân thiện môi trường. 

Mặt khác, quá trình cải cách ắt phải có những thay đổi đặc biệt là có những thay đổi mang tầm chiến lược. Nên nhất thiết phải tạo lập phương án quản lý sự thay đổi phù hợp để có thể luôn chủ động nhất quán trong mọi hoàn cảnh, nhất là sau đại dịch.

– Tái cấu trúc tài chính: Với nguyên tắc công khai minh bạch, huy động và phát huy tối đa nguồn tiền, tài sản mà doanh nghiệp đang có, tìm kiếm sự hỗ trợ từ chính sách cho cải cách nhất là giai đoạn thảm họa dịch bệnh, thương thảo với đối tác kinh doanh, để có tiền cho duy trì hoạt động hàng ngày.

Và những vấn đề cần được lưu tâm, dựa trên phân tích chuyên môn, tuân thủ pháp lý như: Phương án vốn điều lệ và cơ cấu sở hữu, cơ cấu nợ và các giá trị khác để duy trì dòng tiền, kế hoạch tài chính một cách hợp lý và chuẩn hóa chính sách ghi nhận doanh thu, phân tích chi phí lưu chuyển tiền tệ, phân tích hệ số biên lợi nhuận gộp. Từ đó kiểm tra, giám sát công tác tác kế toán và báo cáo tài chính.

Theo Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam khẳng định, doanh nghiệp cơ khí nội địa Việt Nam đã ý thức sâu sắc và hiểu rất rõ việc tái cơ cấu, cải cách nguồn lực là yếu tố tiên quyết để tồn tại và phát triển trong nền kinh tế thị trường, hội nhập sâu rộng. 

Chính vậy nên các doanh nghiệp cần phải huy động tối đa trí lực và tâm huyết triển khai thực hiện. Hiện có nhiều đơn vị đã ký hợp đồng thuê các tổ chức, chuyên gia tư vấn có uy tín, thương hiệu (quốc tế và trong nước) để khảo sát nhằm xây dựng và thẩm định thực hiện đề án tái cấu trúc. 

Tính đến thời điểm hiện tại, bên cạnh những thành công của một số doanh nghiệp, thì thực tiễn cũng đã nảy sinh và chỉ ra nhiều hạn chế, khó khăn, bất cập làm gia tăng sự trăn trở của người quản lý doanh nghiệp.

Bên cạnh đó các doanh nghiệp sẽ cần phải lường trước những biến động không thể đoán định của bối cảnh làm cản trở, hủy hoại lộ trình hướng đến mục tiêu tái cấu trúc doanh nghiệp. Ví dụ như: Các yếu tố kỹ thuật công nghệ, dây chuyền sản xuất, nguyên vật liệu đầu vào cho gia công, chế tạo sản phẩm cơ khí và dịch vụ liên quan về cơ bản đều nhập từ nước ngoài. Vậy nên khi có  biến động kinh tế, chính trị thế giới sẽ làm sụt giảm thị trường, nguồn cung thiếu ổn định dẫn đến giá cả tăng cao… Và đó là những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp cơ khí Việt Nam không thể lường trước được.

Trên thực tế của ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam, ngoài bao gồm những tập đoàn, doanh nghiệp cơ khí có chủ sở hữu vốn là tư nhân hoặc tổ chức kinh tế tư nhân, thì hiện nay có rất nhiều Bộ, Ngành (Công thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Xây dựng, Ủy ban quản lý vốn nhà nước…) và tất cả các địa phương trên phạm vi cả nước đều là cơ quan quản lý trực tiếp, sở hữu phần trăm vốn có quyền chi phối hoặc phủ quyết theo luật định tại các doanh nghiệp cơ khí nội địa.

Qua phân tích chúng ta thấy được thực tiễn của việc tiếp cận, nắm bắt thông tin chung về hiện trạng ngành công nghiệp cơ khí nội địa và tiềm năng  nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước cũng như quốc tế là rất khó và vô cùng hạn chế. 

Song các hiệp hội và các doanh nghiệp cũng chưa có cơ hội hoặc không nắm được một cách đầy đủ, chính xác theo thời gian và theo kế hoạch phát triển kinh tế của đất nước. Đó chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sai lệch tầm nhìn chiến lược và nảy sinh nhiều bất cập chồng chéo, bị động trong suốt quá trình thực thi tái cấu trúc và cải cách doanh nghiệp cơ khí nội địa Việt Nam.

Với mong muốn các đơn vị, doanh nghiệp được bổ sung và tăng cường nguồn lực, hướng tới mục tiêu tái cấu trúc và cải cách, tăng năng lực cạnh tranh, từng bước đủ sức để thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng vai trò trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại đất nước. Các doanh nghiệp đề nghị các cấp thẩm quyền có phương án, chính sách phù hợp cho việc định hướng chuyên ngành trong phát triển công nghiệp cơ khí cũng như nhu cầu sản phẩm cơ khí và dịch vụ liên quan. 

Thiết lập quy trình để có hệ thống thông tin cơ bản, đồng bộ về nhu cầu sản phẩm cơ khí cho phát triển kinh tế cũng như tổng quan ngành công nghiệp cơ khí nội địa Việt Nam và thuận lợi cho các hiệp hội, doanh nghiệp tiếp cận và tìm hiểu. Mặc khác, từng đơn vị và doanh nghiệp chúng ta cũng cần khách quan hơn, khoa học hơn và đúng quy luật hơn trong tư duy, phân tích, xác định tầm nhìn chiến lược và mục tiêu cũng như tổ chức thực hiện để đạt kết quả tốt nhất nhiệm vụ tái cấu trúc và cải cách doanh nghiệp trong từng hoàn cảnh thực tiễn cụ thể, nhất là giai đoạn sau đại dịch.   

Nguồn: Sưu tầm