Tiếng Việt
01
Tháng 02
2023

Sự cần thiết phát triển ngành công nghiệp vật liệu

ncvn

NC Network xin chia sẻ thông tin hữu ích tới doanh nghiệp.

Vật liệu công nghiệp là nguyên liệu đầu vào cho tất cả các ngành sản xuất công nghiệp cũng như có hiệu ứng lan tỏa, tác động tích cực thúc đẩy sự phát triển nhiều ngành công nghiệp, như: Công nghiệp chế tạo, công nghệ thông tin, điện tử, hóa chất, các ngành công nghiệp công nghệ cao,… 

Hiện nay, có thể kể tên một số loại vật liệu công nghiệp đáng chú ý như: 

+ Vật liệu hợp kim nhôm phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp; vật liệu hợp kim (vonfram) phục vụ cho công nghiệp điện tử, công nghệ cao (CNC), quốc phòng

+ Vật liệu kim loại đồng phục vụ cho công nghiệp dân dụng, quốc phòng; vật liệu kim loại thiếc phục vụ cho công nghiệp năng lượng, điện tử, điện thoại, linh kiện, phụ kiện; vật liệu chì-kẽm phục vụ phổ biến cho công nghiệp dân dụng, năng lượng, vỏ bọc cáp quang, quốc phòng,… 

+ Vật liệu kim loại titan phục vụ cho công nghiệp CNC, sản phẩm chịu nhiệt độ cao, hàng không, y tế, dân dụng,… 

+ Vật liệu niken phục vụ cho quốc phòng, CNC, điện tử, nhiệt áp cao,… 

Qua đó ta có thể thấy được các ngành công nghiệp vật liệu có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các thị trường sản xuất, là điều kiện cần thiết để phát triển nền công nghiệp hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập. 

Đây là yếu tố tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế, là cơ sở phát triển cho nhiều ngành, nghề và sản phẩm mới, tạo điều kiện khai thác tối ưu các nguồn lực phục vụ phát triển sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, vị thế cạnh tranh và tham gia toàn cầu hóa.

Ở nước ta, phát triển ngành sản xuất vật liệu công nghiệp càng là một đòi hỏi tất yếu để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Cụ thể như sau:

– Vật liệu công nghiệp là yếu tố có tính nền tảng, là nguyên liệu đầu vào cho các thị trường sản xuất hàng hóa, có hiệu ứng lan tỏa, tác động tích cực thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp khác

– Sản xuất vật liệu công nghiệp trong nước là yếu tố góp phần chủ động giải quyết việc làm, nâng cao năng suất lao động, thương hiệu sản phẩm quốc gia và cạnh tranh quốc tế, nâng cao sự tự chủ cho công nghiệp quốc phòng  – an ninh, cung ứng vật tư cho các thị trường sản xuất trong nước, giảm nhập siêu, tăng giá trị xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm của hàng hóa Việt Nam, bảo đảm tính ổn định, phát triển bền vững của doanh nghiệp.

– Sản xuất vật liệu công nghiệp có quy mô càng lớn thì giá thành càng rẻ, lợi nhuận và giá trị gia tăng càng cao, vì vậy phải lựa chọn được những lĩnh vực mà thị trường trong nước và quốc tế có nhu cầu lớn, sản phẩm kết tinh, chứa đựng hàm lượng khoa học – công nghệ cao, hiệu quả kinh tế đem lại lợi ích ngày càng nhiều cho các nhà sản xuất trong nước và cung cấp các loại vật liệu công nghiệp cho các nhà sản xuất có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.

Có thể thấy việc các doanh nghiệp có thể tự sản xuất được một số loại vật liệu công nghiệp phục vụ cho sản xuất trong nước cũng đã góp phần giảm nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài và tối ưu hóa các chi phí đầu tư trong sản xuất của một số ngành công nghiệp.

Tuy nhiên, về tổng thể thì năng lực sản xuất của công nghiệp vật liệu nước ta vẫn còn nhỏ, năng suất và chất lượng còn nhiều hạn chế. Như tỷ lệ nội địa hóa sản xuất các loại vật liệu phục vụ cho ngành công nghiệp chế tạo còn thấp, như vật liệu gang chế tạo (đạt dưới 30%); vật liệu nhôm, vật liệu đồng (khoảng 5%); hóa chất cho ngành nhựa, cao su vẫn phải nhập khẩu đến 70%; nguyên liệu cho ngành dệt may phải nhập khẩu gần 90% vải, 80% sợi;…

Bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế, tồn tại của công nghiệp vật liệu ở nước ta đó là:

– Chưa có các chính sách thực sự hiệu quả cho thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp vật liệu phục vụ sản xuất.

– Ngành công nghiệp vật liệu nói riêng và tổng thể ngành công nghiệp Việt Nam nói chung, chưa tạo lập được môi trường kinh doanh công nghiệp thuận lợi, minh bạch, ổn định và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh.

– Chưa có các chính sách đủ mạnh để chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp theo hướng gia tăng các ngành công nghiệp vật liệu, vật liệu mới, sản phẩm công nghệ cao.

– Thiếu các chính sách đủ mạnh để tăng cường năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp trong nước sản xuất vật liệu công nghiệp. Các chính sách thúc đẩy chuyển giao công nghiệp và khuyến khích nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm công nghiệp còn hạn chế.

– Hệ thống doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (doanh nghiệp sản xuất linh phụ kiện và vật liệu) kém phát triển. Phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của nước ta hiện nay đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trình độ sản xuất chưa cao.

– Chưa hình thành được các Tập đoàn công nghiệp có quy mô tầm cỡ khu vực trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo để tạo hiệu ứng lan tỏa cho đầu tư và phát triển công nghiệp vật liệu Việt Nam.

Để khắc phục được những hạn chế đó thì nhà nước sẽ cần phải khắc phục và nghiên cứu đẩy nhanh các chính sách giúp cho các doanh nghiệp có cơ hội để chuyển mình và sớm có thể hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nguồn: Sưu tầm